Tác phẩm mới

YÊU THẦM Phương Đình

Phương Đình YÊU THẦM Truyện ngắn Màu đêm mênh mông như biển mực tàu, tự trời cao phủ ập xuống hàng xoài già nghiêng nghiêng vươn mình lên khỏi dãy nhà tôn san sát cạnh bờ sông. Con đường Huỳnh Thúc Kháng dọc bờ sông Cái Khế như chú mãng xà bò qua thị trấn chợ Mít Nài tấp nập ban chiều giờ đã vắng hẳn bóng người và xe cộ, yên lặng trả lại cho khu chợ ven sông nơi đây sinh hoạt về đêm. Lấp lánh từ phía bên đường đối diện bờ sông, ánh đèn điện ở dãy nhà lộ thiên đôi chỗ bị che khuất sau một lùm cây. Nơi khúc quành con lộ bê tông rẽ vào vườn Thầy Cầu ngày trước, cách xa bờ đường mươi mét, quán Thu Phong nằm im lìm, chờ khách dưới tàn cây bồ đề rợp bóng, gốc rễ sù sì. Từ xa, khách lạ dễ nhận ra chiếc quán lá quen thuộc với những chiếc bàn xi măng hình ô voan lác đác giữa những bục gỗ nhẵn bóng xung quanh dùng làm ghế ngồi.Trên chiếc bàn nhỏ khiêm tốn cạnh ao cá nuôi dã chiến ở một góc vườn yên tĩnh, Phong ngồi đối diện với Giang Bình. Gió đêm xao xác lá cây từ bên kia sông cầu Rạch Ngỗng, quyện lẫn với từng tràng cười rôm rả, âm thanh tiếng cụng ly canh cách, thù tạc nhau của thực khách: Chúc sức khỏe! Chúc phát tài…! Một hai ba: Dzô… Dzô! Trăm phần trăm!...Yên lặng đứng chờ sẵn tự bao giờ bên cạnh bàn, cô gái tuổi teen, y phục mát mẻ, nhưng khuôn mặt nai tơ và chiều cao khiêm tốn đã âm thầm nói lên điều nghịch lý với các chỉ số ở cơ thể của nàng.- Thưa anh,… chị chọn thực đơn để em chuẩn bị ạ?- Em dùng chi, thầy dành em phần ưu tiên gọi trước đó! Phong dịu dàng nhìn Giang Bình trong khi cô tiếp viên đã sớm mang lần ra trước như một thủ tục mấy dĩa sứ nhỏ hạt điều, tôm khô, dưa kiệu…Bỗng từ mé đường ngoài sông, một tốp thực khách y phục bảnh bao, đi vào, mắt họ dáo dác dõi tìm bàn trống. Vừa nhìn thấy Phong, một gã đầu tuổi trung niên, mặt mày hồ hởi, lên tiếng:- A ha! Hôm nay ta bắt gặp mi tại trận rồi, đừng chối nữa nghen. Trốn bè bạn đi chơi riêng với bồ nhí phải không? Rõ trâu già thích cỏ non mà!Nhận ra tiếng người quen, Phong quay nhìn lại mấy anh bạn văn nghệ sĩ nghịch ngợm vốn vui tính hay tìm cách trêu chọc mình vì biết tính anh điềm đạm ít nói.Bóng đêm dần dần đậm đặc thêm không khí hưởng thụ của các đại gia hay những người có thói quen ngồi quán để thư giãn, tâm sự sau một ngày tất bật với cuộc sống.Miền Tây trong mấy năm gần đây, vụt nóng lên phong trào xuất cảnh lao động và lấy chồng ngoại quốc. Cô gái thị thành vừa đậu dự khuyết hoa hậu đồng bằng, sau cuộc tình lỡ sấm sét, muốn đi xa để khuây khỏa mối sầu duyên kiếp. Em gái lao động nông thôn quanh năm tay lấm chân bùn, ước mơ đổi đời, giúp đỡ cha mẹ, em út nên hăm hở lấy chồng ngoại phương xa.Sáng chủ nhật, sắc trời trong veo màu ngọc bích. Đang triền miên đắm hồn làm việc, trong không khí hoạt động ồn ào rộn rịp thường nhật của một thành phố đang độ thăng hoa, Phong cắm cúi xem lại bài soạn ở văn phòng, đăm đăm đôi mắt như chực dán vào rừng chữ nhỏ li ti trên trang sách. Chợt nghe có tiếng người dừng xe trước cửa trường học.- Thưa thầy, em muốn học tiếng Hàn. Đầu tháng này, thầy có mở khóa mới không ạ?Tiếng nói nhỏ nhẹ của Giang Bình, cô gái trạc tuổi đôi mươi, dáng tầm thước, nước da mặn mà nhưng sở hữu được khuôn mặt ai cũng thích nhìn. Giang Bình tìm trường học tiếng Hàn, cùng đi với mẹ, một phụ nữ trung niên, dáng vẻ hiền lành miệt vườn. Phong vui vẻ mời khách ngồi, rồi nhìn sang Giang Bình chậm rãi:- Em học tiếng Hàn với mục đích chi? Em học để thỏa mãn nhu cầu hiểu biết, để đi làm việc trong nước hay định đi lao động nước ngoài… hoặc đoàn tụ với chồng ở xứ sở Kim Chi.Sau khi tốt nghiệp Đại học Sư Phạm, Phong dạy tiếng Việt tại một thành phố lớn miền Tây. Giữ vững hồn văn trong nghiệp vụ dạy văn, môn học tiêu biểu cho tiếng nói dân tộc, Phong cũng yêu say đắm ngoại ngữ được coi là chiếc cầu nối, giúp kiến thức anh phong phú và cũng để mình tự tin hơn trước đám học trò. Phong âm thầm học hỏi, kiên trì trau dồi thêm một số ngôn ngữ khác và được phép mở trung tâm dạy ngoại ngữ.Qua vài buổi học tiếng Hàn của Giang Bình, Phong sớm nhận ra trí nhớ khá đặc biệt và khả năng giao tiếp bén nhạy gần như bẩm sinh ở cô học trò nhỏ chăm ngoan học tập này. Phong hướng dẫn Giang Bình và các bạn cùng lớp biết rõ là tiếng Hàn có một phần phát âm na ná như tiếng Hoa dù chữ viết thì hoàn toàn khác nhau. Với lòng ham học, miệt mài nghe giảng, nghe băng thêm lúc ở nhà, thực hành trực tiếp khi gặp người nước ngoài, chưa bao lâu Giang Bình đã có được vốn tiếng Hàn đáng kể. Phong cảm thấy tự hào và luôn tìm dịp giới thiệu Giang Bình với học sinh mới vào học để động viên lòng hiếu học ở các em. Giang Bình cũng cảm nhận ra ở thầy Phong sự tận tâm của một nhà giáo. Cảm mến, kính trọng nhau ở tinh thần hiếu học và nhân cách mô phạm, thầy trò Phong quấn quít nhau trong các buổi sinh hoạt ngoại ngữ. Khoảng cách thầy trò không còn là một không gian rộng lớn như quan niệm xưa nay. Đôi lúc rỗi rảnh trong giờ ra chơi, hoặc chưa vội ra về sau buổi học, thầy trò Phong có dịp thổ lộ thêm tâm sự thầm kín riêng tư của mỗi người.Buổi học cuối tuần chấm dứt vào chiều thứ bảy với bao nhiêu lời chúc tụng thân mật của những người bạn học đã coi nhau như anh em trong một gia đình. Giang Bình chưa vội ra về cùng các bạn. Thong thả đến gần Phong, với đôi mắt đượm buồn, cô học trò nhỏ dịu dàng, thỏ thẻ:- Thưa thầy, xin phép thầy cho em được tạm nghỉ ba ngày đầu tuần sau để em lên thành phố vì có lệnh triệu tập của má Năm.Phong thẫn thờ ngạc nhiên nhìn thẳng vào đôi mắt Giang Bình:- Ai là má Năm và lệnh triệu tập gì vậy em? Em đi lên trên ấy có việc gì quan trọng chứ?Bồn chồn, Phong hỏi cô học trò về lý do xin tạm vắng nhưng trong thâm tâm anh linh cảm có một điều gì sâu kín mà khi mới vào học Giang Bình chưa tiện nói ra. Trải nghiệm ít nhiều từ hiện thực xã hội, Phong hình thành ra trước trong đầu óc mình việc Giang Bình sẽ thực hiện.Giang Bình trở lại học vào buổi thứ tư của tuần lễ kế tiếp như cô đã xin phép. Đã hơn một tháng miệt mài học tập, năng nổ thực hành cho trôi chảy một ngôn ngữ khá xa lạ mà cha mẹ, thầy cô Giang Bình từ tiểu học đến hết phổ thông chưa từng nghe nói ai muốn học. Chỉ bốn ngày qua với bao sự kiện dằn vặt khiến Giang Bình trở nên mạnh dạn:- Thưa thầy, ba mẹ em sau ngày giải phóng, từ Vị Thanh lên sống ở Cái Tắc. Trước kia, ba em là họa sĩ Trần Thiết Dân, sống bằng nghề vẽ quảng cáo. Nhà em ở bên kia bờ kinh Xà No, đối diện nhà lồng chợ, nên má em tìm cách mỗi sáng buôn bàn vặt thêm trái cây kiếm chút phụ thu giúp đỡ gia đình…Phong chợt thoáng trầm ngâm, đăm chiêu khi nghe Giang Bình nhắc đến tên cha cô là Trần Thiết Dân. Thấy cô đang say sưa trần tình tâm sự, anh không hỏi.- Do sự phát triển cao độ của kỹ thuật quảng cáo hiện đại, và dù mẹ em có mua bán thêm cũng không thể làm vơi bớt khó khăn cho gia đình em. Do vậy, gia đình quyết dọn về sinh sống ở quê ngoại em.Chưa cất nổi căn nhà, ba mẹ và Giang Bình tá túc ở nhà ngoại. Ba cô hay đau ốm, sức lao động suy giảm. Gánh nặng cuộc sống vật chất của ba người giờ đây chỉ còn trông cậy vào đôi bàn tay nhỏ bé gầy ốm của mẹ. Một buổi gần trưa cách nay mấy tháng, ngồi bán trái cây bên lề đường ngoài chợ, mẹ Giang Bình gặp được một khách hàng phụ nữ. Bà ấy đứng tuổi, ăn mặc đàng hoàng ra vẻ người sang trọng. Sau khi mua cam xong, nhìn thấy mẹ cô cực khổ mà hiền lành, mới hỏi qua tình cảnh gia đình. Khi được nghe mẹ Giang Bình nói thật, bà gợi ý cho cô con gái đi làm việc ở thành phố, lương bổng sẽ rất hậu. Nếu đồng ý, bà ta sẵn sàng giới thiệu. Thấy mẹ cô còn chần chờ chưa quyết định, bà ta tiếp tục:- Con chị đã trưởng thành, mặt mày sáng sủa như chị nói, lại có trình độ văn hóa, đi làm ắt được trả lương cao. Chị hãy nghe tôi, một vài tháng, chị sẽ thấy tình hình khả quan hẳn, có tiền, chị có điều kiện chữa bệnh cho chồng, xây cất nhà cửa… Chị và con gái chị cũng sẽ được tiếng tốt, ăn ở có nghĩa có tình với chồng, cha trước bà con, làng xóm.Bà khách hàng tốt bụng bèn giáng thêm đòn “chí tử” cuối cùng vào “đối thủ” để kết thúc cuộc nói chuyện:- Chị cầm lấy chút ít làm phương tiện, chờ tôi gọi điện, hẹn ngày và địa điểm gặp tôi ở Sài Gòn.Bà ta vừa nói vừa móc trong túi ra hai tờ năm trăm ngàn đồng, dúi vào tay mẹ Giang Bình rồi quay lưng đi thẳng ra hướng bến xe đò tại ngã ba Cái Tắc.Ngày ấy, mới ra trường, Phong về dạy tại trường Phổ thông Trung học Vị Thanh. Anh cảm thấy cuộc sống một giáo viên độc thân cũng tạm ổn vì được công tác tương đối gần nhà. Sáng sớm thứ hai mỗi tuần, Phong quày quả thức sớm, chạy xe máy từ Cần Thơ, cách trường học hơn sáu mươi cây số trong hơn tiếng đồng hồ đến cơ quan. Rồi anh dạy suốt đầu tuần, đến trưa thứ bảy mới về nhà. Phong ở trọ gần phòng vẽ Thiết Dân. Yêu văn nghệ từ lúc còn thơ ấu, nay được gần gũi với thế giới nghệ thuật, Phong sung sướng cảm nhận ngày ngày cái mùi thơm ngây ngây đặc biệt của những tuýp màu xinh xắn mới mở nắp, phảng phất lan tỏa ra từ họa thất của Thiết Dân. Cùng bắt gặp được tâm hồn đồng điệu, Phong và Thiết Dân sớm trở thành đôi bạn chí thân nơi thị trấn xa xôi còn phảng phất dấu ấn của một thời mưa bùn nắng bụi. Khi rượu sớm lúc trà khuya, hai anh em thường gặp nhau, tâm sự trong thời gian rảnh rỗi ở nhà hay nơi quán cà phê, từ đó hai người càng hiểu nhau và yêu thương nhau.Ngày nghỉ lễ, chủ nhật, hai anh em lững thững mang chevalet (giá vẽ) đi vẽ tĩnh vật ngoài trời. Vị Thanh có nhiều phong cảnh hữu tình, Phong tâm sự.- Mình muốn ghi lại bằng đường nét, sắc màu dấu ấn không gian, thời gian về cuộc đời mình nơi mình từng sống qua. Hỏa Lựu chiều tím với màu hồng sẫm hoa ô môi nở rực rỡ hai bờ lộ mà có lần Phong ví von cho đỡ thèm nó là hoa đào phương Bắc. Sáng sớm anh đăm đắm nhìn những giề lục bình trôi man mác trên dòng kinh Xà No, buổi trưa lâng lâng nghe tiếng gà văng vẳng gáy xa lúc anh đi vườn chơi với học trò, tâm hồn anh không khỏi bâng khuâng khi gặp lại từng dấu vết lịch sử nơi Bưng Đá Nổi, Lung Cột Cờ, doi chống Mỹ ở Vĩnh Viễn… tượng trưng một thời đấu tranh hào hùng của nhân dân địa phương. Mấy tháng thức trắng đêm nơi nhà trọ, quên hẳn cơn buồn ngủ say mê cùng Thiết Dân và các họa sĩ khác, tất bật hoàn thành cho đủ số tác phẩm triển lãm sắp tổ chức… Phong nhớ mỗi lần phòng triển lãm vừa cắt băng khai mạc xong, anh và các bạn phải nhờ các cô gái trực phòng tranh và thuyết minh cho khách tham quan, nhóm nghệ sĩ các anh thẫn thờ, mệt mỏi trở về nhà trọ, ngủ vùi bất động như chết suốt cả ngày. Kỷ niệm Phong không bao giờ quên được là trong một lần hoàn tất đủ số tác phẩm tham dự, Phong đã sử dụng phần sơn dầu còn dư, trong cơn mệt mỏi và buồn ngủ giữa khuya sâu, anh vẽ vội theo ngẫu hứng cảnh chiếc cầu Đoàn Kết bằng gỗ bắc ngang kinh Xà No nơi thị trấn chỉ với hai màu đen trắng. Đóng khuôn cho bức tranh vẽ mót xong, Phong thầm nghĩ: Biết đâu chừng, rồi anh têu tếu ghi trên tấm giấy nhỏ dán dưới bức tranh giá bán cao nhất trong số họa phẩm triển lãm mà nghĩ rằng chắc không ai mua. Không ngờ, một ông khách nước ngoài vào xem triển lãm có vẻ tâm đắc say sưa ngắm nhìn, rồi mua nó, khệ nệ mang về nước. Phong vui mừng: Ta trúng số độc đắc rồi các bạn ơi!, anh lấy một phần tiền bán tranh khao anh em một chầu bia với hột vịt lộn, khô cá kèo nơi quán nhậu bình dân cạnh hồ sen khiến mọi người say túy lúy…, giáo viên, nghệ sĩ ngày ấy sống ở Vị Thanh chưa khá về vật chất, nhưng anh em giàu tình cảm, rất yêu thương và hay giúp đỡ nhau. Sướng vui, cực khổ, anh em cùng tâm sự, chia sớt, xem nhau như ruột thịt.Buổi chiều miền quê yên ả như giấc mộng. Hàng cây bạch đàn dọc đường Lê Lợi bên bờ kinh Xà No, đứng im lìm đợi gió. Hoàng hôn xuống dần, bảng lảng nhuộm vàng mặt nước con kinh đào thẳng tắp.Cuối tuần nào, anh em công chức xa nhà không về thăm gia đình thường chung đậu tiền, tổ chức nấu cơm ăn tại phòng vẽ Thiết Dân. Ăn uống đạm bạc với canh chua rau muống nấu với cua đồng, nhâm nhi chút rượu đế với khô cá chạch nướng, xoài sống rau rừng và ăn cơm với cá hủn hỉn kho tiêu mà anh em cảm thấy ngon vui như ăn cỗ đầy.Nhấp một hớp rượu, Thiết Dân liếc nhìn bạn bè và Phong, chậm rãi nói:- Phong à, tao đặt tên Giang Bình cho con gái tao như vậy là để giữ lại một kỷ niệm lúc vợ tao còn mang thai nó trong bụng.Mùa nước nổi ở Hậu Giang… cái mùa nước sông lênh láng với sự a dua của những trận mưa già ác nghiệt, tràn ngập bờ bãi mà căn bệnh suyễn mãn tính từ nhỏ có dịp hành hạ chú Hoa – cha Thiết Dân. Hễ thời tiết thay đổi, trời lạnh, nước rong thì ông bị cơn suyễn hành hạ suốt đêm không tài nào ngủ được. Thiết Dân là đứa con trai hiếu thảo, lặn lội các nơi tìm thuốc hay, thầy giỏi chữa bệnh cho cha.Hôm ấy, trời chưa hửng sáng, sông Hậu dài và rộng thêm với những con nước lớn về đêm. Thiết Dân xăng xái dậy sớm, đầu đội chiếc nón lá cũ, cổ quấn khăn tắm, tay xách theo mấy cái bánh lá dừa và gói thuốc Bastos bỏ túi, cùng vợ bơi xuồng theo dọc bờ sông Hậu, qua khỏi cồn Ấu hướng về phía cửa biển Định An. Bơi được mươi cây số, khi đến Bùng Binh, Bến Bạ, trời bất ngờ nổi lên cơn giông dữ dội. Thời tiết trở lạnh đến run người với trận mưa ập tới, mỗi lúc càng nặng hạt. Vợ chồng Thiết Dân mặc vội vào người chiếc áo tơi. Từng cơn gió giật mãnh liệt, mưa hùng hổ táp dữ vào mặt hai người, khiến chiếc xuồng nhỏ chao qua chao lại trên mặt khúc sông tại Bùng Binh giữa đêm đen mịt mùng như biển khơi. Không thấy bóng dáng cây cối bờ bãi hai bên sông. Sóng dữ hoành hành khắp nơi dưới bầu trời tối đen mờ mịt đến hôm nay, đầu óc Thiết Dân còn đậm ấn tượng kinh hoàng. Sóng bạc đầu, bỏ vòi bạch tuộc khổng lồ, trắng xóa, hùng hổ chồm lên nhau như giành ăn. Sóng bủa giăng, hò hét ầm ầm, thịnh nộ. Sóng lưỡi búa, vỗ lách chách không mỏi miệng từng đợt, lan tràn nhảy múa khắp mặt sông mà nguy hiểm, nhận chìm xuồng ghe ít ai ngờ. Với Thiết Dân, mãi đến bây giờ, sóng là hình ảnh của nỗi buồn vô tận, là âm thanh cô hồn tự bãi tha ma, là tiếng rì rầm rợn mình của ma da, hà bá nơi thủy cung sâu thẳm, âm u… Vợ Thiết Dân mang thai Giang Bình trong lần cùng anh đi tìm thuốc cho cha chồng và may mắn thoát nạn. Về nhà, sau khi sinh con, Thiết Dân đặt tên cho con gái là Giang Bình để thể hiện một ước mơ an lành thầm kín của người đi sông biển…Tháng học thứ hai, Phong quyết định miễn phí trọn khóa cho Giang Bình khi đã phát hiện cô là đứa con gái của người bạn cũ tình cờ anh được gặp. Tình thầy trò giờ đã là tình chú cháu ấm áp trong trường học mà trong đời anh từng xem là một đại gia đình của mình. Qua Giang Bình, Phong hiểu rõ thêm cuộc đời cơ cực của người bạn cũ giàu tâm hồn nghệ sĩ. Giang Bình cũng tâm sự nhiều với Phong, không còn úp mở giấu giếm cả những điều thầm kín của đời cô…Được Phong đồng ý theo đề nghị của học viên, buổi học cuối cùng của Giang Bình chấm dứt bằng bữa tiệc tiễn đưa do các bạn tổ chức đơn sơ mà không kém thân mật nghĩa tình tại trung tâm. Mấy chiếc bàn học được kê dụm lại trên đó trái cay tự miền quê do các bạn Giang Bình tự mang ra đặt cạnh chai nước ngọt và vài lon bia. Lời chúc chân tình cho người sắp giã từ bè bạn để đi xa:- Chúc Giang Bình hạnh phúc nhiều trong cuộc sống gia đình ở phương xa…- Giang Bình cũng mong các anh chị ở lại học giỏi và thành đạt. Riêng thầy, em mong thầy luôn có nhiều sức khỏe và… sớm không còn cô độc.Một bạn tiếp lời Giang Bình:- À mà thưa thầy, sao cô mất đã lâu mà thầy chưa tục huyền.Mặt mày vui vẻ, một cô học sinh nhìn Phong nhỏ nhẹ:- Thầy thủy chung với cô đó các bạn ơi!- Đôi khi nghĩ lại, thầy cũng cảm thấy mình có phần ích kỷ. Thủy chung với cô, các em nói cũng đúng rồi. Nhưng thầy cũng không muốn bị một người yêu, để mình có thể yêu đa phương!Mọi người cùng cười vui tở mở trước câu nói vui của Phong. Tiệc chia tay kéo dài gần đến khuya. Vị ngọt trái cây hòa quyện với men bia làm mọi người chếnh choáng.Rượu vào lời ra, mọi người mặc sức huyên thuyên, cởi mở tâm tình.Tiệc tan, ai nấy lần lượt ra về, chỉ còn lại hai người ngồi gần nhau. Giang Bình đã ngà ngà, còn ngồi lại chưa về. Trong hơi rượu, thoáng tựa đầu lên vai Phong rồi cô như cố giữ bình tĩnh ngồi tự nhiên lại nhìn về Phong:- A… mà thầy ơi, em vui quá…, xúc động vì các bạn quá nghĩa tình với em! Nhưng em cũng không về nhà được nữa rồi. Thầy cho em ở lại trường, mai sẽ về nhà. Ngần ngừ một chút, Phong vụt nói nhanh với giọng dịu dàng mà cương quyết:- Không được đâu Giang Bình, em phải về nhà ngay trong đêm nay.Ở nhà ba mẹ em đang đợi. Bên ngoài, trời đã dần về khuya, đường phố vắng bớt xe cộ và bóng người qua lại. Ánh sáng rực rỡ của những ngọn đèn đường cao áp không trấn áp nổi được bóng đêm mỗi lúc càng phủ vây mịt mùng không gian.- Mà khuya rồi,… không còn xe buýt, xe ôm nữa! Làm sao em về được! Giọng Giang Bình nhỏ, như thều thào.Phong bình tĩnh, trầm ngâm một thoáng rồi quyết định:- Thầy sẽ đưa Giang Bình về tận nhà.Lo Giang Bình có thể bị ngã, Phong bảo cô học trò ngồi tựa lưng vào tường sợ bị ngã vì say rượu. Anh nhanh nhẹn thu dọn tạm bàn ghế và đóng nhanh cửa văn phòng. Phong dẫn xe máy ra dựng trước lề đường rồi quay trở vào trường lấy thêm mũ bảo hiểm cho Giang Bình và giục Giang Bình ra về nhanh vì trời đã gần khuya.Không mấy chốc, chiếc xe Honda 87 cà tàng của Phong rì rầm, nặng nề chở hai thầy trò rời trung tâm thành phố, qua khỏi chợ Xuân Khánh đến giữa đường 30/4 thuộc khu đại học. Phong bất giác nhớ lại nơi đây là con đường từng khắc ghi dấu ấn đấu tranh sôi nổi của sinh viên Đại học Cần Thơ trong thời chống đế quốc Mỹ. Phong cảm thấy bồn chồn với những ngày bão nổi lớp lớp sinh viên rầm rập xuống đường, những đêm đốt lửa căm thù ngùn ngụt khí thế mà Phong đã tâm huyết góp phần cùng các bạn trẻ yêu nước trong mùa đấu tranh lịch sử của sinh viên học sinh Cần Thơ.- Em lạnh quá thầy ơi! Tiếng Giang Bình kéo Phong về thực tại.Trời lập đông về khuya càng trở lạnh. Phong đưa tay kéo cao cổ áo gió:- Giang Bình mặc áo lạnh vào, cố ngồi cho vững, không còn bao xa nữa đâu. Cô áp sát vào người Phong, hai tay choàng ra trước ôm chặt người anh vì lúc này tốc độ xe khá nhanh…Xế chiều. Thành phố Hồ Chí Minh vào thời tiết lập đông mà không lạnh. Không gian đô thị hẹp lại, ngồn ngộn những cao ốc vọi vọi, thẳng băng chọc thẳng trời xanh ngoi lên giữa những con đường chật ních xe cộ. Nhịp sống hối hả của một phố thị ánh sáng bắt đầu thời hội nhập sau hơn ba mươi năm giải phóng càng dồn dập, căng thẳng hơn với màu sắc điện tử chói lọi, với âm thanh hỗn độn ngày đêm nhấn chìm sự tĩnh lặng thém khát ở con người. Và hòn ngọc viễn đông cũng âm thầm chất ngợp vô vàn bất ngờ, phức tạp như mạch sóng ngầm giữa đại dương bao la.Đúng hẹn theo giờ giấc và địa điểm với má Năm, Giang Bình và các cô gái khác từ bốn phương, mỗi người ăn mặc khác nhau, trông họ vào trạc tuổi đôi mươi nhưng vẻ ngây thơ bỡ ngỡ biểu lộ khá rõ trên khuôn mặt. Chừng ba mươi người, quây quần tập trung trong một gian phòng không quá ba mươi mét vuông nhưng có ngõ thông ở cuối phòng. Một ý đồ của người tổ chức để dễ phân tán mỏng, chớp nhoáng khi bất ngờ được báo có cảnh sát. Các cô gái như những con nai tơ, máy móc hành động theo hướng dẫn của một gã thanh niên ốm gầy như con cá khô, mắt láo liên, miệng phì phèo thuốc lá, không ngớt chỉ vẽ chỗ ngồi cho các cô gái. Các cô dâu tương lai ngồi chồm hổm, lúp xúp từng nhóm trên nền gạch bông cũ lỗ chỗ vết nứt như bầy vịt tàu trong sân. Không khí nóng bức buổi trưa thành phố thêm ngột ngạt vì hơi người.Thời khắc quan trọng lặng lẽ đến. Vài đối tác liên quan xuất hiện. Có vẻ xa lạ, nhìn quẩn quanh lúc đầu nhưng liền sau đó, họ đến các cô gái, nhìn kỹ đối tượng đôi khi đi kèm với một ả già giặn như má mìn để vén tóc bắt tay giúp mấy ông bạn nước ngoài xa lạ chưa chắc sẽ là vị hôn phu của người đẹp trước mặt gã ta. Một phòng đặc biệt bưng bít ở phía cuối dành riêng cho những chàng rể tương lai cẩn thận đưa đối tác mình chọn vào đó quan sát cặn kẽ chi li hơn sợ phải ân hận về sau. Giang Bình chìm hẳn vào phiên chợ tình mà người ta mới thấy xuất hiện vào đầu thế kỷ hăm…Tây Đô vào thu. Trời chiều dìu dịu không mưa không nắng, chỉ âm âm một màu xam xám. Xa xa, tại ngã tư góc đường Ngô Gia Tự - Võ Thị Sáu trước cửa nhà nghệ sĩ nhiếp ảnh Linh Phương thưa thớt bóng ngưới qua lại. Một luồng gió vụt thoảng qua, cả rừng lá me vàng úa, li ti, từ cành cao rì rào rụng xuống đầy mặt đường. Cuối buổi dạy chiều, Phong chuẩn bị ra về:- Thưa thầy, thầy còn nhớ em không? Em là Giang Bình, học sinh tiếng Hàn mấy năm trước của thầy đây.Vừa đặt túi xách du lịch xuống chiếc bàn cạnh cửa vào, cô gái giở mũ lưỡi trai cũ lấm tấm bụi đường, chậm rãi rút chiếc khăn tay lau mặt.- A! Giang Bình đó à? Chào em, thầy nhớ rồi. Thầy trò Phong hàn huyên tâm sự sau thời gian dài xa cách. Ký ức lùi trở lại những ngày Giang Bình học tiếng Hàn với anh ở trung tâm ngót ba tháng rồi theo chồng mất hút ở tận phương trời xa lắc anh không còn nghe mảy may tin tức gì về cô học trò giỏi của mình!Mùa thu thơ mộng với lá vàng phủ ngập đường phố đã đi qua. Mùa đông Seoul trời lạnh cắt da tiếp nối. Buổi sáng, mặt đất, mái nhà, ngọn cây, tuyết trắng mịt mùng phủ một lớp dày. Tuyết rơi! Tuyết mãi rơi như triền miên vô tận. Đồi núi trập trùng. Giang Bình tìm vơi nỗi nhớ cha mẹ, quê hương trong việc trông coi gia đình, săn sóc mẹ chồng già yếu thay cho Kim Jung Seok, chồng nàng đi làm việc mỗi ngày ở công ty.- Anh đi làm, em ở nhà trông nom mẹ, nhà cửa. Kim trìu mến căn dặn vợ.Mỗi ngày, Giang Bình kỹ lưỡng lau những chiếc tủ thờ, bàn ghế, giường ngủ bằng gỗ vốn là những vật kỷ niệm được coi là đồ gia bảo của tổ tiên nhà chồng để lại cho gia đình chồng cô. Kim đứng tuổi nhưng hiền, cặm cụi làm ăn và tỏ ra biết yêu thương vợ, hàng ngày biết quan tâm chăm sóc vợ con. Dù cha mẹ ở xa tít mù nơi quê hương, không bà con, bè bạn, Giang Bình cảm nhận ra sự ấm áp trong những ngày đầu cuộc sống lứa đôi hạnh phúc nơi đất khách quê chồng. Nhưng linh cảm đến một ngày cho cô biết tình cảm chồng mình dần dần càng phai lạt trong cuộc sống ái ân từ sau đêm tân hôn. Dù hai vợ chồng ăn ở với nhau gần hai năm và đã có một cô con gái bụ bẩm, kháu khỉnh, Kim nhận ra được vợ mình sau một sự cố nghiệt ngã, đã là một cô gái không còn trinh trắng trước khi về với anh:- Cháu đừng ngại, chú là bạn học rất thân ngày xưa của ba cháu ở Vịnh Chèo. Gã đàn ông lạ Giang Bình chưa hề gặp nói là khách hàng quen từng đến tìm mua trái cây với mẹ cô. Thấy người lớn đều vắng nhà, gã ta gạ gẫm Giang Bình trước tiên bằng lời lẽ ngọt ngào, rồi dùng thủ đoạn cưỡng hiếp cô gái nhỏ xinh xắn ngây thơ đáng tuổi con mình cho đến chiều hôm sau mẹ Giang Bình mới phát hiện…Kim bắt đầu thay đổi tính tình, hay trầm tư, thường bỏ công ty đàn đúm, rượu chè.- Em với anh có duyên gặp gỡ mà không có nợ ba sinh. Đứng không vững, Kim lè nhè với Giang Bình qua hơi men giữa đêm khuya sau khi ở quán nhậu về. Có lần không tự chủ được, Kim đã hành động vũ phu với cô trước sự can ngăn của mẹ chồng dù cô đã hết sức mềm mỏng, ngọt ngào van xin.Nhờ sự giúp đỡ tận tình của một chị hàng xóm gần nhà Kim, thông cảm sâu sắc hoàn cảnh đáng thương của Giang Bình, giúp cô viết hồ sơ gởi đến tòa án xin ly dị với chồng…Đoạn tuyệt với chồng từ đất Hàn xa xôi về quê hương với đứa con gái nhỏ chưa đầy hai tuổi. Giang Bình ở chung với ba mẹ ở Cái Tắc. Trong những sáng chủ nhật ở trường không có lớp học, cô thường đi xe buýt ra thăm thầy học cũ, có cơ hội giãi bày tâm sự để vơi bớt nỗi buồn về cuộc đời quá vãng còn âm ỉ sâu lắng ở lòng mình.- An-nyơng ha sim nik ka! (1)- Chào em!Vừa xuống xe ôm bên lề đường trước trường học, Giang Bình mỉm cười chào thầy. Cô vào văn phòng, nhẹ nhàng ngồi cạnh Phong. Cô học trò ngoan học, hiền lành ngày ấy của Phong giờ ra vẻ chững chạc, duyên dáng hơn với bộ y phục thời trang màu hồng phấn khéo may cắt nét theo cơ thể đầy đặn và đôi mắt mi kép trữ tình buồn man mác. Phong chợt nghĩ: Trăng tàn giờ lại hơn mười rằm xưa trước cô học trò cũ giờ đã là gái một con ngồi đối diện với anh. Mặt đượm buồn, Giang Bình nhìn Phong như thành khẩn tư vấn:- Thưa thầy, em muốn xin ý kiến thầy về chuyện riêng của em như đã trình bày cùng thầy chủ nhật tuần trước.- Chuyện quan trọng của cả mộ đời người, nhất là trong hoàn cảnh đặc biệt của Giang Bình hiện nay, thầy nghĩ em nên bình tĩnh, để đủ sáng suốt mà tự quyết định là hơn.Phong chậm rãi nhìn Giang Bình.- Thưa thầy, định mệnh nghiệt ngã trong quá khứ đã khiến đầu óc em bão hòa, không còn khả năng quyết định gì được nữa dù là chuyện trọng đại của em hiện nay. Em thành khẩn nhờ thầy, vốn khách quan và nhất là trải nghiệm cuộc đời giúp em ý kiến.Trầm ngâm thoáng chốc, Phong bình tĩnh.- Theo thiển ý riêng, việc em chắp nối với doanh gia Việt kiều La Đại Nghĩa chắc không có gì trở ngại. Em cũng lỡ đỡ tình duyên một lần và đã có con. Anh ấy cũng góa vợ, nhưng không có con riêng cũng có thể là may mắn cho cả hai đàng.- Nhưng ông ấy đã gần gấp đôi tuổi em mà!- Việc ông ấy đứng tuổi, thầy nghĩ có khi lại là điều thuận lợi. Không kể Đại Nghĩa là người khỏe mạnh, có trình độ văn hóa và biết lo làm ăn, lo lắng cho gia đình, ông ấy được bà con trong quê phản ánh là người tốt. Vả lại, tình yêu xưa nay vốn không biên giới về tuổi tác giai cấp… Nếu em sống với Nghĩa, thầy nghĩ trong tình yêu vợ của ông ấy với em sau này sẽ bao gồm thêm tình cảm bao dung của một người cha từng trải, đằm thắm, không còn xốc nổi, bồng bột nữa.Giang Bình lắng nghe Phong, yên lặng.- Đại Nghĩa là người Hoa, có tập quán và phong tục riêng e rằng khi sống chung em sẽ thích nghi không kịp.- Không đáng lo ngại xa xôi, tình yêu chân thục, thủy chung của Giang Bình thầy nghĩ sẽ dần dà cộng hưởng và đồng hóa mọi thế lực vật chất hay tinh thần trong cuộc sống mới sau này.Dứt lời, Phong lại nhìn thẳng vào đôi mắt Giang Bình lần nữa như đang dùng nội lực của anh để cố truyền hết cho Giang Bình củng cố thêm niềm tin ở tương lai. Cô nhìn Phong như vừa thể hiện sự vâng lời với lòng biết ơn thầy:- Kam sa ham ni tà! (2)Đứng trưa, da trời xanh ngăn ngắt, không khí dìu dịu. Chớm xuân, không gian lung linh màu nắng thủy tinh, đổ trên mặt lộ vắng dần xe cộ bóng hàng sao tơ mỗi lúc nhỏ dần như vết mực tím nhẹ loang trên trang vở học trò. Giang Bình chủ động từ giã Phong, đưa hai tay siết mạnh tay người thầy học cũ mà nàng trân trọng và đau đáu với một tình cảm yêu thương thầm lặng trong lòng:- An nyơng hi kiê sip si ô! (3)Gương mặt đượm buồn, Giang Bình đi nhanh ra cửa như chạy trốn một thực tại mà lòng mình đau đáu từ lâu. Bỗng nhiên, nàng dừng chân, ngoảnh lại sau nhìn thẳng vào mắt Phong còn đứng trước cửa trường:- Na nưn Kyo su sa rang! (4)Giang Bình đưa tay ngoắt nhanh chú xe ôm đang đậu xa xa tại ngã tư đường. Luồng gió cuối đông se lạnh, rì rào thoảng qua. Mấy chiếc lá sao khô lìa cành, lao xao chao liệng trên khoảng không rồi rơi xuống mặt đường như đàn chim sẻ bay sà xuống mặt đất tìm mồi. Xuân Canh Tý. 2020 P. Đ(1)Em chào Thầy(2) Em cám ơn Thầy(3) Em tạm biệt Thầy(4) Em yêu Thầy

Xem

BẾN MƠ Nguyễn Thanh

Yến Lan (1916-1998) có không hiếm những vần thơ hay, nhưng dường như nhà thơ mang bút danh (pen-name) yểu điệu rất con gái này chỉ được biết đến nhiều qua bài thơ “Bến My Lăng” xuất hiện từ phong trào thơ mới. Nhà thơ Yến Lan là thành viên của Bàn thành tứ hữu (Bốn người bạn thơ ở thành Đồ Bàn), gồm những nhà thơ xuất sắc một thời tại Bình Định. Thơ ông mang hương sắc lạ: ngôn ngữ giàu hình tượng, giai điệu mang mang nhưng tứ thơ phong kín một nỗi niềm khiến người đọc lắm khi chỉ cảm thụ bằng trực giác. Yến Lan là một thi sĩ đã làm thơ và tham gia công tác kháng chiến trong hai thời kỳ chống Pháp và chống Mỹ. Nhà thơ Yến Lan để lại 2 vở kịch thơ (Bóng giai nhân và Gái Trữ La), 8 tập thơ trong đó Thơ tứ tuyệt là tuyển tập thơ sau cùng (1996) được nhiều người đánh giá cao. Trong lĩnh vực văn học nghệ thuật, thi ca (poetry) thuộc phạm trù phi vật thể, nằm trong sinh hoạt kiến trúc thượng tầng. Người làm thơ (poet) hay nếu không có năng khiếu được trời nhễu cho thì trước hết phải đam mê thi ca, có một tâm hồn dễ xúc cảm và kinh qua ít nhiều kiến thức văn học cơ bản cùng một vốn sống trải nghiệm thực tế ở cuộc đời. Trong lúc nhà thơ Hàn Mặc Tử coi người làm thơ là người điên, Chế Lan Viên cho rằng nhà thơ là người không bình thường, Quách Tấn là nhà thơ cổ điển, ta có thể xem Yến Lan là chàng thi sĩ của những vần thơ bay bổng mơ mòng đứng riêng một cõi trên thi đàn. Nhà thơ Yến Lan tên thật là Lâm Thanh Lang, người Bình Định, vùng đất giàu cổ tích được xem là địa linh thi kiệt với những nhà thơ nổi tiếng của nền văn học hiện đại: Quách Tấn (1910-1992), Hàn Mặc Tử (1912-1940), Chế Lan Viên (1920-1989, Xuân Diệu (1916-1985)…Thuở nhỏ học tiếng Hán với ông nội vốn là người Minh Hương, Lâm Thanh Lang sớm mồ côi mẹ từ lúc 6 tuổi. Lớn lên, ông cưới bà Nguyễn Thị Lan, sống bằng nghề dạy học tư và làm thơ. Trong hoàn cảnh khiêm tốn về vật chất, bà Lan đã tỏ ra là người vợ hiền rất hiểu và thương chồng. Chính người bạn đời của nhà thơ đã giúp tác giả ghi chép tất cả sáng tác của chồng khi nhà thơ gặp cảnh ốm đau không thể cầm bút, khiến nhà thơ rất mực yêu thương vợ. Ngay cả bút danh Yến Lan của nhà thơ cũng được hình thành từ một giai thoại thể hiện tình cảm đặc biệt của hai người bạn gái nhà thơ. Cô Yến và cô Lan chơi thân với nhau, hứa với nhau về sau sẽ cùng lấy một chồng . Thi sĩ nghe hay hay nên lấy tên hai cô ghép lại làm bút 1danh cho mình như để lưu giữ một tình bạn đẹp đậm tính nhân văn giữa ba người,. Không chỉ chan hoà tình cảm với vợ và bè bạn, sâu đậm nồng nàn hơn là tình yêu quê hương tha thiết mà Yến Lan đã bày tỏ trong nhiều bài thơ đau đáu viết về Bình Định nhau rún yêu thương : Bình Định 1935, Bình Định 1945, Bình Định 1947, Bình Định 1975… Nhắc đến Yến Lan, ta không thể không nói đến trước hết bài thơ “Bến My Lăng” được coi là tác phẩm nổi tiếng đã làm nên tên tuổi nhà thơ trên văn đàn. Thi ca thế giới xưa nay thường hay nói đến bến, từ ngữ chỉ địa điểm không gian mang ý nghĩa của một nơi đỗ chỗ tạm thời, một khoảnh khắc dừng chân trong giây phút để rồi chuẩn bị lên đường, chia xa đôi đàng người đi kẻ ở. Bến Tầm Dương (Bạch Cư Dị), Bến tình (Ngũ Lang), Bến Ninh Kiều, Bến cũ người xưa, … Chỉ một từ đơn âm thôi mà đọc lên nghe sao man mác bao nỗi ngậm ngùi ! Bến My Lăng của nhà thơ Yến Lan được coi là bến đò Trường Thi hiện thực trên sông Cửa Tiền tại Bình Định, quê hương tác giả được nhà thơ thi vị hóa thành Bến My Lăng, đọc lên nghe mơ màng huyền ảo một vẻ siêu thực ! Dường như khá đông công chúng không ai xa lạ với bài thơ tên : “Bến Ly Lăng” và tác giả là nhà thơ Yến Lan cũng được trân trọng là một nhà thơ có vị trí trên văn đàn. Nhưng cảm nhận hoặc đánh giá bài thơ ấy thì ít ai mạnh dạn. “Bến Ly Lăng” được sáng tác theo thể loại thơ mới 8 chữ (alexandrin) ảnh hưởng phong cách phương Tây như bài Nhớ rừng của Thế Lữ hay Cảm xúc của Xuân Diệu. Bài thơ Bến My Lăng của Yến Lan gồm 5 khổ rưởi, mỗi khổ 4 câu, tất cả là 22 câu. Nhà thơ chủ yếu gieo vần gián cách âm hưởng cao thấp. Chỉ 3 câu liên tiếp cuối bài là theo liên vận (vần liền) : Lăng-trăng-trăng dễ gây cảm giác lâng lâng mơ hồ cho người đọc Hình tượng nhân vật chủ đạo trong bài thơ là ông lão chèo đò trên một bến sông tĩnh lặng với phong thái phiêu diêu ngạo nghễ, không giống với bao người lái đò khác ngày ngày đưa khách sang sông vì chuyện áo cơm. Trong không gian thơ mộng lung linh ánh trăng vàng, ông lão hiển thị bên sách vở và bầu rượu cạn như một triết nhân đang trầm tư : “Bến My Lăng nằm không thuyền đợi khách/ Rượu hết rồi, ông lái chẳng buông câu/ Trăng thì đầy rơi vàng trên mặt sách/ Ông lái buồn để gió lén mơn râu”. Cảnh đêm trăng đẹp hôm nay khiến lão cảm thấy buồn, lòng mang mang hồi tưởng lại hình bóng một chàng trai trẻ trên yên ngựa đến bến sông một đêm trăng nào trong ký vãng xa xôi : “Nhưng đêm kia đến một chàng kỵ mã/ Nhúng đầy trăng màu áo ngọc lưu ly”. Trong cảnh đất nước tang thương, dân tình khổ sở, phải chăng ông lão đang tự vấn mình rồi mơ về hình bóng những chàng trai dũng cảm, với tinh thần bất khuất, đám xông ra sa trường, diệt thù cứu nước: “Ừ sao không nhớ người trai trẻ/ Trò chuyện cùng tôi dưới ánh trăng”. Có phải những Kinh Kha của nước Yên ngày trước hăm hỡ 2vượt dòng sông Dịch với lời minh thệ ‘nhất khứ bất phục phản’ để tiêu diệt Thỉ hoàng bạo chúa. Hay những Lạn Tương Như son sắt một lòng vì tổ quốc, mang bảo ngọc dũng cảm ra đi vì nghiệp lớn cũng như bao thanh niên yêu nước đã ra đi làm bổn phận người trai trong mấy mùa chinh chiến. Ông lão chờ đợi cho mãi đến một đêm kia có chàng lỵ mã gội ánh trăng vàng, ruổi ngựa đến bến My Lăng giục giã gọi đò đến run rẩy cả trăng sao: “ Chàng gọi đò, gọi đò như hối hả/ Sợ trăng vàng rơi khuất lối chưa đi”. Nhưng ông lái đò gối đầu lên sách im lặng, như còn đang mãi say trăng, khiến chàng trai giục giã: “ Mà ông lão say trăng, đầu gối sách/ Sợ trăng vàng rơi khuất lối chưa đi/ Tiếng gọi đò, gọi đò như oán trách/Gọi đò thôi, run rẩy cả vầng trăng”. Nhưng không gian vẫn im lặng, lạnh lùng, chẳng vang lên tiếng phản hồi của ông lão chèo đò cho chàng kỵ mã. Bài thơ đan kết bằng ngôn từ chắt lọc trữ tình, long lanh sắc màu huyền thoại và ngồn ngộn hình tượng cổ tích, nhịp nhàng cộng hưởng cùng thi tứ mang mang như phong kín một nỗi niềm của ông lão chèo đò trong hoàn cảnh quốc phá gia vong. Yến Lan có những bài thơ hay: “Lại về tỉnh nhỏ” (1956), “Mùa xuân lên cao”, “Uống rượu với bạn đồng hương” làm ra từ sau năm 1945, được nhà thơ Chế Lan Viên và GS. Nguyễn Văn Long khen ngợi. Riêng “Một mối thất tình” có bước chuyển hướng mới trước va chạm giữa con người và cuộc sống. Bài thơ “Nghe con đường chảy” thì có hơi hướng giai điệu như Bến My Lăng, với nhạc thơ khá dịu ngọt, tứ thơ mơ mòng, phiêu diêu khiến cho Yến Lan có một thế đứng vững riêng một cõi và được nhiều người biết thêm tác giả trên thi đàn. Dù cả một đời làm thơ chắt chiu lam lũ mà dường như Yến Lan chỉ được công chúng mơ hồ nhớ lại qua một tựa bài trong sự nghiệp cầm bút : “Bến My Lăng”. Bằng hữu văn chương và các nhà phê bình văn học cũng ít phát biểu về Yến Lan . Nhà phê bình văn học Hoài Thanh khách quan có ý kiến: “Xem thơ yến Lan, tôi mơ màng như đi trong mây mù”. Nhà nghiên cứu Nguyễn Tấn Long tỏ ra thông cảm và triết lý : “Đọc Yến Lan, giới yêu thơ bị lôi cuốn về thế giới suy tư, một cõi im lặng, một sự trầm mặc nhẹ nhàng nhưng bao hàm ý nghĩa của sự sống và cuộc đời”. Nhưng chính tựa đề bài thơ về một bến sông lạ này đã khiến nhiều người cảm thấy thích thú, trong đó có một nữ nhà văn ở đất Cầm Thi và một nữ ký giả tại hòn ngọc Viễn Đông đã tỏ ra tâm đắc, cùng lấy tên My Lăng làm bút danh cho mình. Mỗi lần tôi có dịp đọc lại bài thơ “Bến My Lăng”, trong lòng không tránh khỏi bâng khuâng, mường tượng về một bối cảnh u huyền đậm màu cổ tích: bài thơ chập chờn hình ảnh những nhân vật mang phong thái phiêu diêu, hào sảng như ông lái đò và hình bóng mơ hồ của chàng kỵ mã hiện ra trong tâm khảm : Bến nơi mô, em gọi My Lăng/ Cho người đau đáu mộng thuyền trăng/ Chờ ai bến đợi sông mơ đó/ Mà bóng người đi mãi biệt tăm. 22. 10. 2019 3 N. T

Xem

Minh Chí - Vua xàng xê một thời vang bóng - TƯƠNG NHƯ

Nghệ sĩ Minh Chí (1924-1995) sinh ra tại Sài Gòn, có tên thật là Lê Mộng Lang xuất thân là một thanh niên lao động nghèo. Mới lớn lên, Minh Chí đêm đêm phải đi làm nghề vật bò mổ lợn ở lò heo Chánh Hưng, Sài Gòn, nên anh đã trải qua cuộc đời khá vất vả từ lúc thiếu thời

Xem

NSND NGỌC GIÀU - TIẾNG HÁT BAY XA - TƯƠNG NHƯ

NSND Ngọc Giàu là một trong những nghệ sĩ ngôi sao của sân khấu Nam bộ từ những năm đầu của thập niên 1960. Bên cạnh 50 vở kịch có mặt, tính ra NSND Ngọc Giàu đã đóng vai chính trong hơn 15 vở cải lương, thu dĩa hơn 15 bài và tham gia khoảng 6 phim, tổng cộng chừngg 100 vai then chốt trong tác phẩm sân khấu trình diễn

Xem

NGHỆ SĨ THẨM THÚY HẰNG - MỘT TUYỆT THẾ GIAI NHÂN - Nguyễn Tấn Thành

Nghệ sĩ Thẩm Thúy Hằng tên thật là Nguyễn Kim Phụng, có tên thánh là Jeane. Là người Nam bộ nhưng Kim Phụng được sinh ra tại Hải Phòng khi cha cô là một viên chức, cùng gia đình, được chuyển ra làm việc tại thành phố hoa phượng đỏ. Sau đó một năm (1941) theo gia đình trở về miền Nam, Kim Phụng sống và lớn lên ở An Giang

Xem

TRỮ TÌNH MỘT SẮC THƠ KHÁNG CHIẾN - Nguyễn Thanh

Nhà thơ Quang Dũng (1921-1988), tên thật trong khai sinh là Bùi Đình Diệm (1) (còn gọi là Dậu vì sinh ra nhằm năm Dậu), người huyện Đan Phượng, tỉnh Hà Tây. Theo học Ban Trung học trường Thăng Long (Hà Nội), khi tốt nghiệp Trung học, ông đi dạy tư ở Sơn Tây. Vợ là bà Bùi Thị Thạch (có nơi ghi là Trạch), biết gieo vần và từng họa thơ lại với chồng

Xem

HƯƠNG BƯỞI SAU NHÀ - Nguyễn Thanh

Nữ thi sĩ Phan Thị Thanh Nhàn (sinh năm 1943) là một trong số không nhiều nhà thơ nữ hàng đầu trưởng thành trong thời kháng chiến chống Mỹ : Xuân Quỳnh (1942-1988), Song Hảo (sinh năm 1951), Lâm Thị Mỹ Dạ (sinh năm 1949)… Phan Thị Thanh Nhàn nổi tiếng với bài thơ “Hương thầm” được nhạc sĩ Vũ Hoàng phổ thành ca khúc (1984) và trình bày nhiều lần trên sóng đài Tiếng nói Việt Nam và đài phát thanh Thành phố Hồ Chí Minh

Xem

MỜI BẠN TÌM ĐỌC TẠP CHÍ MỚI

1. TẠP CHÍ THƠ số 3+4/2017 của Hội Nhà văn mới ra nhân Ngày 30/4 năm 2017- Bài "Từ sâu thẳm một trái tim nhạy cảm. Tr 212 củ Nguyễn Thanh2. TẠP CHÍ KIẾN THỨC NGÀY NAY số mới 962 ra ngày 1/5/2017 - Bài "CHIM TRẮNG BAY VỀ "VƯỜN CŨ" của Nguyễn Thanh Tr 6-9

Xem

TÁC PHẨM MỚI NHẬN ĐƯỢC

Chùm Truyện ngắn và Ảnh tác giả của nhà văn Phạm Thị Thúy Kiếu. Nguyễn Thanh chân thành cám ơn nữ nhà văn, vuonvan sẽ đọc, giới thiệu trên trang Web văn nghệ

Xem

TÁC PHẨM MỚI

1. Pays natal , traduit par Nguyễn Thanh2. Ẩm thực thơ và một khúc ca dao. Tản văn của Trần Tuyển.

Xem

MỜI BẠN TÌM ĐỌC SÁCH MỚI XUẤT BẢN:

1. CHIM ĐƯỢC VỀ ĐÀN-Tập thơ của Võ Thanh Hùng-Nguyễn Thanh hiệu đính và giới thiệu -Nxb.Văn hóa-Văn nghệ (2015)2. PAYS NATAL (QUÊ HƯƠNG)-Tập thơ của Trần Tuyển -Song ngữ Việt Pháp-Traduit en Francais par Nguyễn Thanh (2016)

Xem
Processing...